Gỗ lũa là giá thể trồng lan được nhiều người chọn lựa. Với nhiều hình dáng độc đáo, gỗ lũa giúp cho không gian thêm phần thẩm mỹ và đẹp mắt hơn. Nếu như bạn có thú vui chơi lan, bạn có thể tham khảo bí kíp ghép lan trên gỗ lũa này nhé.
-
Gỗ lũa ghép lan là gỗ gì?
Khái niệm gỗ lũa tuy có vẻ xa lạ nhưng thực chất lại rất quen thuộc, lũa chính là phần gỗ còn sót lại của các cây cổ thụ hay cây lấy gỗ đã chết. Sau một thời gian dài tồn tại trong tự nhiên, gỗ lũa chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố như vi khuẩn, nắng, gió,… Do đó, gỗ lũa thường có nhiều hình thù khác nhau, vừa kỳ quái lại vừa độc lạ.
Bạn phải hiểu rằng, gỗ lũa không chỉ là phần gốc, rễ của cây mà còn có thể là thân, cành, lõi hay giác cây. Gỗ lũa có đặc điểm là kết cấu rất cứng, gần như không bị mối mọt, khó bị mục trong thời gian dài, độ bền phải từ 3 – 4 năm hoặc lâu hơn.
Trong tự nhiên, gỗ lũa chia thành 3 loại chính là:
- Gỗ lũa nằm sâu bên trong lòng đất
- Gỗ lũa được tạo thành từ mưa, nắng, gió
- Gỗ lũa chìm trong bùn nước
Xét về độ bền chắc thì gỗ lũa tạo thành từ mưa, gió, nắng chắc chắn xếp vị trí đầu tiên lại có hình thù đẹp. Thế nhưng, đối với dân chơi lan, gỗ lũa trong bùn nước lại giá trị hơn bởi khả năng giữ ẩm của loại lũa này tốt hơn hẳn.
Một lý do nữa là gỗ lũa chìm trong bùn nước lâu ngày hoàn toàn không còn chứa tinh dầu, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ lan khi ghép.
Sau khi thu hoạch gỗ lũa, người ta thường sẽ chế tác thêm để tăng giá trị thẩm mỹ, giúp người trồng lan làm ra những giò lan tuyệt sắc. Tuy nhiên, gỗ lũa có hình thù càng độc đáo thì giá thành sẽ càng cao.
-
Ưu nhược điểm khi ghép lan trên gỗ lũa
Không phải tự nhiên mà gỗ lũa ghép lan trở thành kỹ thuật được dân chơi lan yêu thích mà bởi bản chất loại gỗ này mang đến rất nhiều ưu điểm:
- Gỗ lũa sở hữu kiểu dáng, kích cỡ đa dạng, phong phú thích hợp tạo kiểu thành các giò lan đẹp, độc
- Tồi tại thời gian dài trong tự nhiên nên gỗ lũa có độ cứng, chắc, bền bỉ, tuổi thọ cao, người ghép lan không cần lo lắng về vấn đề liên tục thay đổi môi trường sống cho lan
- Gỗ lũa ghép lan hầu như không bị các loại côn trùng gây hại cũng như các loại nấm gây bệnh như nấm trắng, nấm hạt cải,…
- Gỗ lũa không gặp tình trạng đọng muối khi sử dụng trong thời gian dài giống một số loại giá thể trồng lan khác như than củi,…
- Khả năng thấm hút nước và giữ ẩm tương đối cao, thích hợp cho hệ rễ lan phát triển mạnh, bám rễ chắc khỏe
- Thích hợp với cả các giống lan đơn thân và đa thân
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật này, sử dụng gỗ lũa ghép lan cũng vướng mắc phải một số nhược điểm như:
- Gỗ lũa hình thù đẹp bán trên thị trường có giá thành khá cao
- Khó khăn trong khâu vận chuyển
- Trọng lượng nặng nên không thích hợp với các giàn treo
- Dùng gỗ lũa làm giá thể ghép lan, người trồng cần chú ý tưới nước thường xuyên và bón phân nhiều hơn trồng lan trong chậu
Tuy nhiên, các nhược điểm này đều có thể khắc phục hoàn toàn dễ dàng nếu người trồng có kiến thức và kinh nghiệm dùng gỗ lũa trồng, ghép lan.
-
Cách xử lý gỗ lũa
Trước khi ghép lan trên gỗ lũa, bạn cần xử lý gỗ theo các bước sau:
- Vệ sinh sạch sẽ bên ngoài gỗ lũa, chủ yếu là làm sạch bùn đất, bụi bẩn, rêu bằng nước sạch
- Ngâm gỗ lũa vào nước vôi 3 – 5 ngày để loại bỏ sạch mầm bệnh rồi đem phơi khô
- Tiếp tục ngâm gỗ lũa vào nước có hòa tan hỗn hợp NPK theo tỷ lệ thích hợp cho ngậm no nước thì tiến hành ghép lan
Sau khi đã xử lý xong, bạn tiến hành ghép lan trên gỗ lũa:
- Đối với lan đơn thân: dùng máy khoan khoan những lỗ nhỏ trên khúc gỗ lũa, xác định các điểm ghép cây lan rồi cho lan lên khúc gỗ dùng dây cố định chắc chắn
- Đối với lan đa thân: tỉa rễ lan, rửa sạch và ngâm thuốc kích rễ trước khi ghép trên gỗ lũa, đóng đinh nhiều đoạn trên khúc gỗ đồng thời dùng dây nối đinh lại rồi kẹp gốc lan vào giá thể cố định bằng dây nhựa hay dây nilon
- Có thể dùng thêm các giá thể khác như dớn hay rêu bao bọc xung quanh để tăng khả năng giữ ẩm
- Ghép xong vài ngày người trồng mới nên tiến hành tưới nước cho giò lan, sau đó tiếp tục duy trì tưới 2 lần mỗi ngày
Từ bài viết chúng ta có thể nhận thấy ghép lan trên gỗ lũa không phải kỹ thuật quá phức tạp mà lại khá đơn giản nếu như người trồng nắm chắc được quy trình. Hãy thử nghiệm ngay với một khúc gỗ lũa đẹp độc đáo nhé!